Tuesday, August 31, 2021

"NÓ VÀ TUI"

Nó và tui không cùng cha, không cùng mẹ, không cùng máu mủ huyết thống, không cùng xóm, không cùng hoàn cảnh sống. Nó và tui chỉ được sinh ra trong thời chiến, lớn lên trên cùng một đất nước, và sống chung vài tháng trong một căn nhà trong trại tỵ nạn.

Tui được phái đoàn Mỹ nhận và được chuyển đi đến trại Bataan để sống, huấn nghệ, học hỏi văn hóa, và nếp sống trước khi đi định cư ở Mỹ. Tui đến trại vào tháng 5 năm 1990 cùng vài người bạn sống chung một căn phòng được chỉ định. Vài tháng sau thì một người trong nhà đi định cư, rồi một tháng sau thì một người khác đi. Tui và hai người bạn khác tiếp tục sống trong căn nhà đó.

Một buổi chiều nọ, trời trong xanh, nắng đẹp của mùa Hè tại Phi Luật Tân. Nó xuất hiện với cái túi xách, một cái gối, và một cái mền mỏng. Nó bước vào nhà và nói: “Chào các anh chị, em được văn phòng tỵ nạn chỉ định đến đây ở.” Lần đầu biết ở chung với một người con lai, cảm giác cũng ngán ngán vì nhiều người con lai quậy có tiếng trong trại tỵ nạn lúc bấy giờ. Dẫu vậy, vì được chỉ định cho nên chúng tôi cùng nói: “Được mà! Thêm người ở cho vui.” Tui nói: “Trên gác thì chỗ cho bạn nữ, tụi con trai mình thì ngủ dưới đây. Tụi anh đang ngủ trên giường ván. Em muốn ngủ ở đâu cũng được.” Chiếc giường ván này nằm dọc thì được 2 người, nằm ngang thì được 3 người. Nó nói: “Thôi em sẽ ngủ ở dưới thềm.” Thật ra, dưới thềm thì mát và tui cũng thường ngủ dưới thềm.

Nó ở trong nhà, rất ít nói, nhưng chuyện gì phụ được, làm được thì nó làm. Có bữa tui hoặc người bạn nấu ăn, nó cũng nhảy vào phụ. Thấy tui đi xách nước, nó cũng chạy theo phụ. Nó cứ nói: “Để em làm cho.” Thế rồi vài tuần trôi qua, nó chủ động lo nấu ăn, nhà cửa tươm tất. Nhiều buổi trưa, khi chúng tôi đi về thì có sẵn bữa trưa. Nó nấu những món ăn đơn giản mà chúng tôi thường nấu để ăn qua ngày trong quãng đời tỵ nạn.

Vào chu kỳ (cycle) mới, nó bắt đầu đi học tiếng Anh, nếp sống, và văn hóa người Mỹ. Tội nghiệp nó, nó là con lai Mỹ cho nên lớn lên như một đứa mồ côi và không có điều kiện hoặc có người hướng dẫn đi học. Mỗi tối chúng tôi ngồi chung quanh cái giường để học bài. Nó học lớp tiếng Anh vỡ lòng và tối nào cũng cố theo các anh chị mà học. Nhiều lúc nó quay qua hỏi: “Anh! Chữ này nghĩa là gì vậy?” và tui thường hay trả lời và giải thích cho nó. Nó cũng bắt đầu thích học tiếng Anh và hỏi hơn nhiều hơn. Thỉnh thoảng nó rủ các bạn nó cùng học tiếng Anh ở nhà kế bên và kêu tui ngồi gần đâu đó nếu có đứa nào hỏi thì giải thích dùm.

Tui được biết đến như một “ông giáo làng.” Dãy nhà tui ở và dãy bên cạnh, ai ai cũng biết tui là thầy giáo. Buổi sáng tui làm AT (Assistant Teacher: Phụ Giáo). Vài buổi tối trong tuần tui làm thông dịch trong bệnh viện, còn các buổi tối khác thì tui đi dạy bổ túc cho người lớn không biết đọc và viết tiếng Việt. Nó thấy tui ham mê với đèn sách, nói cũng ngưỡng mộ. Đi đâu nó cũng khoe với bạn bè về “ông anh” của nó. Thế là bạn bè nó cứ rủ nhau đến căn nhà trống kế bên chơi và có thì giờ học thêm tiếng Anh, và tui là người thầy giáo riêng cho lớp. Có nhiều đứa trong lớp là dân anh chị, quậy lắm, nhưng đến lớp tui thì ngoan và dễ thương lắm. Tụi nó nói hoài: “Tụi em bảo vệ thầy. Ai quấy rầy thầy thì cho tụi em biết. Tụi em sẽ làm thịt mấy đứa đó.” Nghe cũng an tâm, nhưng công việc và sách đèn bận rộn, ít gặp người khác, ai mà quấy rầy. Biết tui có chút khiếu viết chữ đẹp, có đứa còn mua những cái quần khaki trắng và nhờ tui viết những chữ, những câu bằng tiếng Anh trên quần. Tụi nó mê lắm. Cũng vui!

Ở được mấy tháng thì tui và hai người bạn chung nhà có giấy báo đi định cư vào cuối tháng 11 năm 1990. Tình cảm đã gần gũi, thân thiết, gắn bó hơn anh em. Nó yêu quí tui và tui yêu quí nó như anh em tri kỷ. Nó biết tui chuẩn bị rời trại, nó buồn buồn và ít nói hơn. Lúc này nó được chỉ định đi làm khuân vác trong ban lương thực mỗi tuần một lần. Mỗi lần đi làm nó dành dụm một ít gạo dư và đem bán kiếm tiền để tiêu xài. Mỗi lần có tiền là nó rủ tui đi uống café. Nó tìm mọi cách để có thì giờ sinh hoạt với tui. Nó sống đơn giản và gần gũi làm sao đó! Nó cứ theo hỏi: “Anh cần gì thì cho em biết.” Tui đâu có cần gì, mà có cần thì cũng làm sao cho nó biết được.

Đúng là thời gian không chờ đợi ai. Ngày mai tui sẽ lên đường đi định cư. Nó hỏi: “Anh chuẩn bị đồ đạc xong chưa?” Tui chỉ nó cái túi xách tay. Trong túi có vài cái quần đùi, một bộ đồ, và mấy chục quyển sách, tập vở. Có bao nhiêu đồ đạc thôi mà cái túi xách căng chật muốn rách. Nó nói: “Anh đi Mỹ mà nhìn thấy thảm quá. Anh lấy cái túi xách của em nè.” Thế là nó đưa cho tui cái túi xách của nó làm hành trang đi định cư. Tối đó, nó và tui cứ trằn trọc, lăn qua lăn lại mà ngủ chẳng được. Có lẽ, tối hôm đó là đêm dài nhất trong những ngày sống trong trại tỵ nạn của chúng tôi.

Sáng hôm sau, một ngày rất đẹp trời, nhưng cảm giác trời đầy mưa. Mưa trong lòng và mưa trên má của người đi, kẻ ở. Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi đón xe tricycle (xe gắn máy kéo theo cái thùng bên hông chở khách) đi đến nơi khởi hành. Nó và bạn bè nó kéo nhau ra đông lắm. Nó và một đứa bạn khác (cũng là học sinh của lớp học kế nhà) cứ bịn rịn và khóc suốt. Tui cũng bịn rịn, nhưng cố kiềm chế vì không muốn tạo thêm nỗi buồn giờ chia tay. Nó dúi vào tay tui mấy chục peso (tiền Phi) và nói: “Anh cầm theo có xài dọc đường.” Tui nói, “Anh đi thẳng ra phi trường và chắc không cần gì. Em giữ có xài trong những ngày còn lại trong trại.” Thiệt là mến thương nó làm sao! Tiếng còi xe buýt báo và tui chuẩn bị bước lên xe. Nó ôm lấy tui khóc òa: “Anh đi bình an. Qua đó anh ráng học cho thành tài. Anh em mình sẽ gặp lại.” Tui nói: “Mình sẽ gặp lại mà” và tui chùi nước mắt mà bước lên xe. Tui vào ghế ngồi, cửa sổ xe mở, và nó cứ kêu gào lên: “Đi mạnh giỏi nhen anh! Anh em mình sẽ gặp lại.” Xe lăn bánh và tui lìa xa nó. Tui đã để lại nó sống một mình trong căn nhà đó.

Tui qua định cư tại thành phố Nashville của tiểu bang Tennessee. Đời sống người tỵ nạn thật khốn đốn, đặc biệt là những người đi một mình, không gia đình, không cha, không mẹ, không người thân đi cùng như tui. Tui thuê phòng chung với người này, rồi người kia và đổi phòng liên tục khi có người đi ở chỗ khác. Tui nhớ nó, viết thư thăm nó, và cho nó biết nơi tui đang sống và số điện thoại liên lạc. Mấy tháng sau, tui nhận được cú điện thoại của nó. Nó nói: “Anh ơi! Em qua Memphis (cách Nashville 3 tiếng lái xe) rồi. Bên đây buồn quá. Anh qua chở em qua nơi anh ở đi.” Tui thẫn thờ: “Anh không có xe. Anh chưa có việc làm và nơi sống ổn định. Em qua đây thì sẽ như anh thôi.” Anh em mừng vì liên lạc được nhau ở Mỹ, nhưng vẫn chưa có điều kiện để gặp lại. Hôm sau, nó gọi lại và nói: “Chắc em dọn đi Sacramento vì có bạn và có công việc làm cho em ở đó.” Đó là lần cuối nó và tui nói chuyện với nhau.

Định cư hơn một năm, tui được trở lại trường học, đi làm bán thời gian, và đặc biệt là tui tin nhận Chúa Giê-su. Tui luôn nhớ nó và cầu nguyện cho nó. Tui lập gia đình, học ra trường, đáp lời Chúa gọi đi hầu việc Ngài như một người chăn bầy chiên của Chúa. Tui cầu nguyện cho nó và tìm kiếm khắp nơi để mong gặp lại nó. Nhiều lần tui dùng White Pages và gọi từng người có tên giống tên nó, nhưng không tìm được nó. Nhiều năm trước, tui đăng hình nó trong trang Kỷ Niệm ACE Con Lai Bataan Philippines của Facebook (FB), nhưng rồi cũng không có manh mối gì. Gần đây, tui lại đăng hình nó trên FB và cũng trong trang đó. Một người trong trang này cho biết rằng đã từng ở chung nhà với nó và nó còn ở tại Sacramento, nhưng người bạn ấy không có địa chỉ và điện thoại của nó sau khi rời California. Thế là tui vào internet và lục lạo tìm kiếm nó. Tui gọi tất cả những người cùng họ và tên của nó, tuổi từ 49 đến 55. Thế rồi, một buổi tối nọ, tui gọi một số điện thoại khác. Tui hỏi: “Có phải ____   ____ không?” Cũng giọng nói quen quen hỏi ngược lại: “Có phải anh _____ không?” Nó vẫn còn nhận ra giọng nói của tui! Cám ơn Chúa cho tui tìm được nó. Tui vui mừng vì biết nó đang sống vui khỏe. Hơn 30 năm rồi có ít đâu. Chúng tui vui mừng lắm và gởi hình cho nhau biết hình hài hiện tại của mình. Chúng tui hẹn gặp lại nhau trong một ngày rất gần. Đúng như lời của một bài hát: “Em ơi trái đất vẫn tròn. Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau.” Dù lời bài hát dành cho đôi nam nữ, nhưng nó rất đúng với hoàn cảnh nó và tui.

Nhìn lại cuộc đời mình với hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày rời Phi Luật Tân, dù không biết nó ở đâu, tui cảm nhận nó gắn liền với đời sống tui. Hôm nay ngồi viết lại những ký ức về nó, tui vui mừng và dâng lời cám ơn:

- Tui cám ơn Chúa đã trả lời cầu nguyện của tui cho tui tìm được nó và sẽ gặp lại nó.

- Tui cám ơn Chúa cho nó đi vào cuộc đời của tui. Dù không phải anh em ruột thịt, nhưng tình cảm của nó dành cho tui hơn hẳn nhiều người anh em ruột thịt của tui. Tui luôn luôn trân quý tình cảm của nó và luôn biết ơn nó.

- Tui cám ơn Chúa cho tui thấy nét đẹp của cuộc đời từ những đời sống đơn sơ và chân thật, đặc biệt là đời sống của nó. Nó của tui là vậy đó!

- Như lời Chúa Giê-su dạy, “Hãy tìm sẽ gặp,” tui đã tìm và gặp được Ngài. Tui cũng đã tìm nó và giờ sắp được gặp nó. Cuộc đời là một hành trình. Đừng bỏ cuộc trong hành trình của mình.

 

*** Viết vào những ngày cuối tháng 8 năm 2021, sau khi hồi phục từ Covid.



No comments:

Post a Comment