Tuesday, September 13, 2022

"NHỮNG NGƯỜI VÔ GIA CƯ TÂN THỜI"

 


Điện thoại tôi kêu inh ỏi. "Ai mà gọi giờ này? Giờ người ta đang ngủ." Tôi nói với chính mình vì mới đi ngủ không lâu. Nhìn chiếc điện thoại thì thấy thành phố gọi và lúc đó thì đã hơn 3 giờ sáng thứ Bảy. Trả lời điện thoại với trạng thái nửa mê nửa tỉnh, còn giọng nói bên kia thì cứ nói liên tục. Tôi không rõ giọng bên kia nói gì. Tôi chỉ biết là có chuyện gì đó liên quan đến nước. Gần 8 giờ sáng, có tiếng chuông cửa nhà reo và có người gõ cửa liên hồi. Quay qua nhà tôi, tôi hỏi: "Mình có hẹn với ai sáng nay không?" "Em không nhớ." Nhà tôi trả lời. Rồi nhà tôi chạy ra cửa thì thấy ông hàng xóm chờ không được đang đi sang nhà khác và đang nói chuyện với một người đi tập thể dục trong khu phố. Sau này mới biết là ông đi thông báo cho từng nhà về vấn đề nước của thành phố. 

Thức dậy, đọc tin nhắn và email thì mới biết được rằng thành phố đã báo động qua điện thoại và các phương tiện khác về vấn đề nước của thành phố bị nhiễm khuẩn (E. coli). Chính quyền kêu gọi chỉ được sử dụng nước đã được đun sôi. Lần đầu tiên trong thành phố tôi bị vấn đề này. Thế là nhiều sinh hoạt của gia đình phải thay đổi liên quan đến nước. Gia đình, 8 người (vợ chồng chúng tôi, bốn con, và hai cháu ở trọ đi học Đại Học), không muốn bất cứ ai phải vào bệnh viện vì con vi khuẩn này.

Ở Mỹ hơn ba thập niên, lần đầu tiên tôi mới có cái kinh nghiệm lạ lùng này. Thói quen thường xuyên sau khi làm công việc nhà là rửa tay, nhưng bây giờ sau khi rửa tay thì phải rửa lại bằng nước nấu chín hoặc nước diệt khuẩn. Ăn xong, rửa chén thì cũng phải rửa lại bằng nước chín. Ngó vậy chớ không dễ chút nào và rất là bất tiện. Đánh răng, rửa mặt, và nhiều sinh hoạt khác cần đến nước thì phải dùng nước đóng chai hoặc nước chín. Còn việc tắm rửa và nấu nướng thì sao đây? 

Tôi gởi thông tin cho con dân Chúa trong nhà thờ biết tình trạng nước của thành phố và sự trở ngại trong sinh hoạt của gia đình chúng tôi. Tôi kêu gọi Hội Thánh giúp đỡ gia đình chúng tôi trong việc tắm rửa cho đến khi nước được xử lý. Chúng tôi rất cảm động vì tấm lòng của anh chị em trong Hội Thánh. Vừa nhắn tin xong, thì tôi nhận được hàng loạt câu trả lời. Cô H thì nhanh nhẹn nhắn tin, "Gia đình Mục Sư ghé nhà em nè." Chị P thì trả lời, "Mục Sư ơi, Đến đây lúc nào cũng được." Cô K thì tiếp theo trả lời, "Gia đình Mục Sư ghé bên em." Chú T thì đi xa hơn, "Cả nhà dọn lên đây cũng được nè nha." Cô X thì trả lời thêm chút hài hước, "Dưới 50 tuổi em tắm luôn cho." Cô nói vậy vì biết tôi trên 50 tuổi. Tôi trả lời là sẽ gởi các con trai đi nhà cô P và các con gái đi nhà cô K vì hai nhà này cách nhà chúng tôi khoảng hơn 10 phút lái xe. Một vài anh chị em thì sợ vợ chồng chúng tôi ngại không dám đến nên mời chúng tôi đến luôn. 

Chiều thứ Bảy, dù đã chia nhau các nhà để tắm nhờ, gia đình tôi đi chơi bóng rổ trong trường Đại Học và dự định sẽ tắm luôn trong trường. Chúng tôi tìm được ba phòng tắm. Trong lúc ngồi đợi thành viên trong gia đình lần lượt tắm, đứa con lớn tôi nói với tâm tư, "Ba ơi! Mình giống những người vô cư quá!" "À nhen! Ừ mà mình giống thiệt." Tôi trả lời với các thành viên đang ngồi chờ. Lời con tôi nói làm tôi suy nghĩ và nhận ra rằng chúng tôi là "những người vô gia cư tân thời," những người có nhà cửa, phòng ốc, nhưng đi ở nhờ và sinh hoạt nơi nhà người khác. 

Sáng Chúa Nhật, trong nhà thờ tôi cập nhật tình hình nước của thành phố và gia đình. Thành phố cho biết có thể mất ba đến năm ngày để xử lý vấn đề này. Lập tức, con dân Chúa lên tiếng: "Gia đình Mục Sư đến nhà tôi," "Gia đình Mục Sư đến nhà em," hoặc "Gia đình Mục Sư đến nhà con." Cô T, một người lớn tuổi trong Hội Thánh, đến nói nhỏ với vợ chồng chúng tôi, "Chiều nay tôi nấu cơm tối, mời Mục Sư và Cô đến dùng bữa và tắm rửa nhé." Cô K thì nhắn tin riêng với nhà tôi, "Em lo sẵn thức ăn cho cháu gái (tá túc nhà cô) để đem theo đi học ngày mai, ngày mốt. Tối thứ Ba thì cả nhà ghé ăn Bún Bò Huế." Thiệt là dễ thương hết sức. Anh chị em trong Hội Thánh hết mực yêu thương và muốn giúp đỡ gia đình chúng tôi. Xin cám ơn những tấm chân tình vô giá của anh chị em. 

Tối Chúa Nhật, sau khi ăn tối, thăm viếng, và tắm rửa xong, trên đường về, tôi cảm nhận được tình yêu thương của Chúa đã dành cho gia đình chúng tôi trong mấy ngày qua. Chúa đã dùng con dân Chúa trong Hội Thánh chăm sóc gia đình chúng tôi lúc khó khăn. Đúng như lời của Kinh Thánh dạy trong sách Thi Thiên: "Chúa là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì." Lời của Chúa Giê-su cũng nhắc nhở tôi: "Hãy xem loài chim trời: không gieo, không gặt, không tích trữ vào kho, nhưng Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Các con lại chẳng quý trọng hơn loài chim sao?" (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:26). Quả thật, Chúa đã và đang chăm sóc gia đình chúng tôi một cách đặc biệt, một cách rất chi tiết. 

Khi mới lớn, tôi có nghe một câu danh ngôn: "Yêu và được yêu là niềm hạnh phúc nhất." Ngẫm nghĩ lại thì đúng quá cho tình huống hiện tại của mình. Tôi là người chăn bầy chiên của Chúa. Bây giờ tôi có một trải nghiệm tuyệt vời: "Yêu chiên và được chiên yêu là người chăn chiên hạnh phúc nhất." Cám ơn Chúa đã dùng những con chiên đáng yêu của Ngài để chăm sóc "những người vô gia cư tân thời" này.

Tuesday, August 31, 2021

"NÓ VÀ TUI"

Nó và tui không cùng cha, không cùng mẹ, không cùng máu mủ huyết thống, không cùng xóm, không cùng hoàn cảnh sống. Nó và tui chỉ được sinh ra trong thời chiến, lớn lên trên cùng một đất nước, và sống chung vài tháng trong một căn nhà trong trại tỵ nạn.

Tui được phái đoàn Mỹ nhận và được chuyển đi đến trại Bataan để sống, huấn nghệ, học hỏi văn hóa, và nếp sống trước khi đi định cư ở Mỹ. Tui đến trại vào tháng 5 năm 1990 cùng vài người bạn sống chung một căn phòng được chỉ định. Vài tháng sau thì một người trong nhà đi định cư, rồi một tháng sau thì một người khác đi. Tui và hai người bạn khác tiếp tục sống trong căn nhà đó.

Một buổi chiều nọ, trời trong xanh, nắng đẹp của mùa Hè tại Phi Luật Tân. Nó xuất hiện với cái túi xách, một cái gối, và một cái mền mỏng. Nó bước vào nhà và nói: “Chào các anh chị, em được văn phòng tỵ nạn chỉ định đến đây ở.” Lần đầu biết ở chung với một người con lai, cảm giác cũng ngán ngán vì nhiều người con lai quậy có tiếng trong trại tỵ nạn lúc bấy giờ. Dẫu vậy, vì được chỉ định cho nên chúng tôi cùng nói: “Được mà! Thêm người ở cho vui.” Tui nói: “Trên gác thì chỗ cho bạn nữ, tụi con trai mình thì ngủ dưới đây. Tụi anh đang ngủ trên giường ván. Em muốn ngủ ở đâu cũng được.” Chiếc giường ván này nằm dọc thì được 2 người, nằm ngang thì được 3 người. Nó nói: “Thôi em sẽ ngủ ở dưới thềm.” Thật ra, dưới thềm thì mát và tui cũng thường ngủ dưới thềm.

Nó ở trong nhà, rất ít nói, nhưng chuyện gì phụ được, làm được thì nó làm. Có bữa tui hoặc người bạn nấu ăn, nó cũng nhảy vào phụ. Thấy tui đi xách nước, nó cũng chạy theo phụ. Nó cứ nói: “Để em làm cho.” Thế rồi vài tuần trôi qua, nó chủ động lo nấu ăn, nhà cửa tươm tất. Nhiều buổi trưa, khi chúng tôi đi về thì có sẵn bữa trưa. Nó nấu những món ăn đơn giản mà chúng tôi thường nấu để ăn qua ngày trong quãng đời tỵ nạn.

Vào chu kỳ (cycle) mới, nó bắt đầu đi học tiếng Anh, nếp sống, và văn hóa người Mỹ. Tội nghiệp nó, nó là con lai Mỹ cho nên lớn lên như một đứa mồ côi và không có điều kiện hoặc có người hướng dẫn đi học. Mỗi tối chúng tôi ngồi chung quanh cái giường để học bài. Nó học lớp tiếng Anh vỡ lòng và tối nào cũng cố theo các anh chị mà học. Nhiều lúc nó quay qua hỏi: “Anh! Chữ này nghĩa là gì vậy?” và tui thường hay trả lời và giải thích cho nó. Nó cũng bắt đầu thích học tiếng Anh và hỏi hơn nhiều hơn. Thỉnh thoảng nó rủ các bạn nó cùng học tiếng Anh ở nhà kế bên và kêu tui ngồi gần đâu đó nếu có đứa nào hỏi thì giải thích dùm.

Tui được biết đến như một “ông giáo làng.” Dãy nhà tui ở và dãy bên cạnh, ai ai cũng biết tui là thầy giáo. Buổi sáng tui làm AT (Assistant Teacher: Phụ Giáo). Vài buổi tối trong tuần tui làm thông dịch trong bệnh viện, còn các buổi tối khác thì tui đi dạy bổ túc cho người lớn không biết đọc và viết tiếng Việt. Nó thấy tui ham mê với đèn sách, nói cũng ngưỡng mộ. Đi đâu nó cũng khoe với bạn bè về “ông anh” của nó. Thế là bạn bè nó cứ rủ nhau đến căn nhà trống kế bên chơi và có thì giờ học thêm tiếng Anh, và tui là người thầy giáo riêng cho lớp. Có nhiều đứa trong lớp là dân anh chị, quậy lắm, nhưng đến lớp tui thì ngoan và dễ thương lắm. Tụi nó nói hoài: “Tụi em bảo vệ thầy. Ai quấy rầy thầy thì cho tụi em biết. Tụi em sẽ làm thịt mấy đứa đó.” Nghe cũng an tâm, nhưng công việc và sách đèn bận rộn, ít gặp người khác, ai mà quấy rầy. Biết tui có chút khiếu viết chữ đẹp, có đứa còn mua những cái quần khaki trắng và nhờ tui viết những chữ, những câu bằng tiếng Anh trên quần. Tụi nó mê lắm. Cũng vui!

Ở được mấy tháng thì tui và hai người bạn chung nhà có giấy báo đi định cư vào cuối tháng 11 năm 1990. Tình cảm đã gần gũi, thân thiết, gắn bó hơn anh em. Nó yêu quí tui và tui yêu quí nó như anh em tri kỷ. Nó biết tui chuẩn bị rời trại, nó buồn buồn và ít nói hơn. Lúc này nó được chỉ định đi làm khuân vác trong ban lương thực mỗi tuần một lần. Mỗi lần đi làm nó dành dụm một ít gạo dư và đem bán kiếm tiền để tiêu xài. Mỗi lần có tiền là nó rủ tui đi uống café. Nó tìm mọi cách để có thì giờ sinh hoạt với tui. Nó sống đơn giản và gần gũi làm sao đó! Nó cứ theo hỏi: “Anh cần gì thì cho em biết.” Tui đâu có cần gì, mà có cần thì cũng làm sao cho nó biết được.

Đúng là thời gian không chờ đợi ai. Ngày mai tui sẽ lên đường đi định cư. Nó hỏi: “Anh chuẩn bị đồ đạc xong chưa?” Tui chỉ nó cái túi xách tay. Trong túi có vài cái quần đùi, một bộ đồ, và mấy chục quyển sách, tập vở. Có bao nhiêu đồ đạc thôi mà cái túi xách căng chật muốn rách. Nó nói: “Anh đi Mỹ mà nhìn thấy thảm quá. Anh lấy cái túi xách của em nè.” Thế là nó đưa cho tui cái túi xách của nó làm hành trang đi định cư. Tối đó, nó và tui cứ trằn trọc, lăn qua lăn lại mà ngủ chẳng được. Có lẽ, tối hôm đó là đêm dài nhất trong những ngày sống trong trại tỵ nạn của chúng tôi.

Sáng hôm sau, một ngày rất đẹp trời, nhưng cảm giác trời đầy mưa. Mưa trong lòng và mưa trên má của người đi, kẻ ở. Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi đón xe tricycle (xe gắn máy kéo theo cái thùng bên hông chở khách) đi đến nơi khởi hành. Nó và bạn bè nó kéo nhau ra đông lắm. Nó và một đứa bạn khác (cũng là học sinh của lớp học kế nhà) cứ bịn rịn và khóc suốt. Tui cũng bịn rịn, nhưng cố kiềm chế vì không muốn tạo thêm nỗi buồn giờ chia tay. Nó dúi vào tay tui mấy chục peso (tiền Phi) và nói: “Anh cầm theo có xài dọc đường.” Tui nói, “Anh đi thẳng ra phi trường và chắc không cần gì. Em giữ có xài trong những ngày còn lại trong trại.” Thiệt là mến thương nó làm sao! Tiếng còi xe buýt báo và tui chuẩn bị bước lên xe. Nó ôm lấy tui khóc òa: “Anh đi bình an. Qua đó anh ráng học cho thành tài. Anh em mình sẽ gặp lại.” Tui nói: “Mình sẽ gặp lại mà” và tui chùi nước mắt mà bước lên xe. Tui vào ghế ngồi, cửa sổ xe mở, và nó cứ kêu gào lên: “Đi mạnh giỏi nhen anh! Anh em mình sẽ gặp lại.” Xe lăn bánh và tui lìa xa nó. Tui đã để lại nó sống một mình trong căn nhà đó.

Tui qua định cư tại thành phố Nashville của tiểu bang Tennessee. Đời sống người tỵ nạn thật khốn đốn, đặc biệt là những người đi một mình, không gia đình, không cha, không mẹ, không người thân đi cùng như tui. Tui thuê phòng chung với người này, rồi người kia và đổi phòng liên tục khi có người đi ở chỗ khác. Tui nhớ nó, viết thư thăm nó, và cho nó biết nơi tui đang sống và số điện thoại liên lạc. Mấy tháng sau, tui nhận được cú điện thoại của nó. Nó nói: “Anh ơi! Em qua Memphis (cách Nashville 3 tiếng lái xe) rồi. Bên đây buồn quá. Anh qua chở em qua nơi anh ở đi.” Tui thẫn thờ: “Anh không có xe. Anh chưa có việc làm và nơi sống ổn định. Em qua đây thì sẽ như anh thôi.” Anh em mừng vì liên lạc được nhau ở Mỹ, nhưng vẫn chưa có điều kiện để gặp lại. Hôm sau, nó gọi lại và nói: “Chắc em dọn đi Sacramento vì có bạn và có công việc làm cho em ở đó.” Đó là lần cuối nó và tui nói chuyện với nhau.

Định cư hơn một năm, tui được trở lại trường học, đi làm bán thời gian, và đặc biệt là tui tin nhận Chúa Giê-su. Tui luôn nhớ nó và cầu nguyện cho nó. Tui lập gia đình, học ra trường, đáp lời Chúa gọi đi hầu việc Ngài như một người chăn bầy chiên của Chúa. Tui cầu nguyện cho nó và tìm kiếm khắp nơi để mong gặp lại nó. Nhiều lần tui dùng White Pages và gọi từng người có tên giống tên nó, nhưng không tìm được nó. Nhiều năm trước, tui đăng hình nó trong trang Kỷ Niệm ACE Con Lai Bataan Philippines của Facebook (FB), nhưng rồi cũng không có manh mối gì. Gần đây, tui lại đăng hình nó trên FB và cũng trong trang đó. Một người trong trang này cho biết rằng đã từng ở chung nhà với nó và nó còn ở tại Sacramento, nhưng người bạn ấy không có địa chỉ và điện thoại của nó sau khi rời California. Thế là tui vào internet và lục lạo tìm kiếm nó. Tui gọi tất cả những người cùng họ và tên của nó, tuổi từ 49 đến 55. Thế rồi, một buổi tối nọ, tui gọi một số điện thoại khác. Tui hỏi: “Có phải ____   ____ không?” Cũng giọng nói quen quen hỏi ngược lại: “Có phải anh _____ không?” Nó vẫn còn nhận ra giọng nói của tui! Cám ơn Chúa cho tui tìm được nó. Tui vui mừng vì biết nó đang sống vui khỏe. Hơn 30 năm rồi có ít đâu. Chúng tui vui mừng lắm và gởi hình cho nhau biết hình hài hiện tại của mình. Chúng tui hẹn gặp lại nhau trong một ngày rất gần. Đúng như lời của một bài hát: “Em ơi trái đất vẫn tròn. Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau.” Dù lời bài hát dành cho đôi nam nữ, nhưng nó rất đúng với hoàn cảnh nó và tui.

Nhìn lại cuộc đời mình với hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày rời Phi Luật Tân, dù không biết nó ở đâu, tui cảm nhận nó gắn liền với đời sống tui. Hôm nay ngồi viết lại những ký ức về nó, tui vui mừng và dâng lời cám ơn:

- Tui cám ơn Chúa đã trả lời cầu nguyện của tui cho tui tìm được nó và sẽ gặp lại nó.

- Tui cám ơn Chúa cho nó đi vào cuộc đời của tui. Dù không phải anh em ruột thịt, nhưng tình cảm của nó dành cho tui hơn hẳn nhiều người anh em ruột thịt của tui. Tui luôn luôn trân quý tình cảm của nó và luôn biết ơn nó.

- Tui cám ơn Chúa cho tui thấy nét đẹp của cuộc đời từ những đời sống đơn sơ và chân thật, đặc biệt là đời sống của nó. Nó của tui là vậy đó!

- Như lời Chúa Giê-su dạy, “Hãy tìm sẽ gặp,” tui đã tìm và gặp được Ngài. Tui cũng đã tìm nó và giờ sắp được gặp nó. Cuộc đời là một hành trình. Đừng bỏ cuộc trong hành trình của mình.

 

*** Viết vào những ngày cuối tháng 8 năm 2021, sau khi hồi phục từ Covid.



Saturday, August 28, 2021

"NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI"

 Đó là Cô Vi (Covid) đã đi qua đời tôi. Một trải nghiệm để đời, khó quên, và nhiều bài học mà tôi học được.

Gia đình tôi có 6 người, nhưng đứa con lớn đi chơi với bạn khi “Cô” ấy ghé thăm gia đình chúng tôi. Bắt đầu từ hôm thứ Bảy, tôi và các con có triệu chứng đau cổ họng. Tôi thì có thêm triệu chứng đau nhứt tai như mọi năm, thường thì vài lần. Sáng thứ hai, ba đứa con tôi đi thử thì 2 đứa bị dương tính, trong đó có đứa đã chích ngừa. Chiều đó tôi đi gặp Bác sĩ gia đình và cho thuốc trị viêm tai và khuyên tôi đi thử xem “Cô” ấy có ghé không. Hôm sau, tôi và nhà tôi đi thử. Kết quả, tôi bị “Cô” ấy len lỏi vào cuộc đời, còn nhà tôi thì không bị (nhà tôi đã bị hôm tháng 1). Ngày sau, đứa con đã thử không bị đi thử lại thì kết quả dương tính. Tóm lại, trong năm người thì 4 người bị, có chích vaccine hay không gì cũng bị, nhưng người đã bị thì có hệ miễn nhiễm tốt và không bị. Các con tôi còn trẻ, chỉ khoảng 10 ngày thì mấy đứa khỏe lại và đi học. Còn tôi là một chuyện khác.

Sau 10 ngày nằm chờ cho “Cô” ấy đi với những giây phút nhức đầu và nhức tai, ngủ không được, lúc nào cũng thấy đói, ăn thì hay ói, và thường đi tiểu tiện thất thường, nhưng không biết khi nào cô ấy chịu đi. Tôi là người thích làm việc và năng động. Vì vậy, nằm trên giường này, sang ghế sofa kia, rồi qua võng nọ ngày này qua ngày khác, không làm được việc gì là một cực hình. Tôi nói nhà tôi gọi Bác sĩ gia đình và tìm thuốc để uống để đuổi “Cô” ấy đi vì ghé chơi hơi lâu. Bác sĩ cho tôi thuốc Ivermectin và đây cũng là loại thuốc tôi đang tìm cách mua mấy tuần trước đó để dành khi cần, nhưng mua không được vì cần toa từ Bác sĩ. Có toa thuốc rồi, nhưng ngày hôm sau mới mua được thuốc vì là hàng hiếm. Có được thuốc là tôi uống liền, và ngủ một lèo đến sáng, ngày hôm sau tôi khỏe ra một cách lạ thường. Nhưng rồi, những ngày kế tiếp thì hết sức thú vị: sáng thì tôi khỏe như trâu, bắt đầu trưa cho đến chiều tối thì tôi như cọng bún thiu, nằm tê liệt, không còn chút năng lượng. Những ngày này tôi sợ ăn, không thấy hứng thú ăn bất cứ cái gì. Tôi trở nên sợ ăn thịt, sợ ăn ngọt (dù tôi thích ăn chè), sợ ăn mặn, sợ uống nước để nguội hay lạnh, ăn thứ gì cũng cảm thấy béo (kể cả bắp luộc). Nhà tôi thì tìm đủ thứ để tôi ăn, nhưng không thứ ăn nào tôi ăn được mà nuốc cho chạy.

Ba ngày liên tục, sáng tôi khỏe, đi bộ trước nhà phơi nắng, nhưng chiều thì trở thành tê liệt, nằm bất động. Đứa con lớn tôi, đang làm việc trong bệnh viện, hỏi các Bác sĩ nơi chỗ làm. Bác sĩ cho biết có thể tôi bị thiếu electrolytes (muối và đường) và thế thì nhà tôi pha nước cho tôi uống. Uống được một ngày, thì tôi bắt đầu có cảm giác muốn ăn. Tôi bắt đầu ăn được chút chút trở lại. Nghĩ lại cũng tức cười. Tôi là người không thích ăn chả, nhưng sau khi uống nước electrolytes thì muốn ăn miếng chả trong tô bún bò Huế. Thế là nhà tôi tốc hành đi tìm cho tôi ăn và tôi ăn được mấy miếng một cách ngon lành. Bây giờ, mỗi lần nhà tôi hỏi tôi muốn ăn gì, thì tôi phải lục tự điển trong tâm trí của mình món nào mà ăn có cảm giác là ăn và nuốc được.

Ngày mai là đúng 3 tuần lễ kể từ “Cô” ấy ghé thăm gia đình và riêng tôi. Tôi nhìn lại hành trình trải nghiệm, những gì xảy ra, tôi ngẫm nghĩ về cuộc sống với những bài học cho chính mình:

- Tôi cám ơn Chúa vì Ngài nhắc nhở tôi về cuộc sống: đời người thật sự rất là ngắn ngủi và con người thật giới hạn. Sự sống thuộc về Chúa.

- Tôi cám ơn Chúa cho cơ hội sống chậm lại. Khi khỏe thì muốn làm việc và không muốn nghỉ ngơi. Lúc bệnh thì bắt buộc phải nghỉ, có muốn làm điều này điều kia thì cũng phải ngưng.

- Tôi cám ơn Chúa cho nhà tôi luôn bên cạnh săn sóc tôi. Nhà tôi vừa làm việc vừa chăm sóc 4 người bệnh. Nhiều hôm, dọn thức ăn, thấy tôi không hứng thú gì, nàng cũng buồn. Có hôm, khi tôi ăn được chút chút thì nàng vui lên.

- Cám ơn Chúa cho các con chúng tôi lúc nào cũng quan tâm đến tôi. Mọi sinh hoạt của các cháu cũng thay đổi theo: nói năng nhỏ nhẹ, về nhà thì giữ yên lặng tối đa, sinh hoạt ở ngoài nhiều hơn trong nhà vì sợ ồn.

- Cám ơn Chúa cho những người bạn và một số con cái Chúa quan tâm và thăm hỏi. Thật sự mà nói, khi mình bệnh hay gặp khó khăn trong đời sống thì mình biết ai là người thật sự yêu quý mình. Có người đem thức ăn đến tận nhà cho gia đình chúng tôi.

- Một điều tôi không quên cám ơn “người đi qua đời tôi” đã lấy đem đi cái bụng mở mà tôi đã mang hơn 25 năm nay. “Cô” ấy đi qua làm tôi giảm được 10 lbs (lần đầu tiêng trong 25 năm qua tôi nặng dưới 130lbs. Mừng quá! Dễ gì làm được nếu khỏe.). Cũng vì “Cô” đi qua mà thân thể tôi có được hệ miễn nhiễm để có thể sống không sợ cô ghé thăm nữa.


Friday, March 2, 2018

5 QUYẾT TÂM CHO NĂM MỚI


(Phỏng dịch “5 Resolutions You Should Make This Year”
của Terrace Crawford từ http://www.churchleaders.com)


1. Cầu Nguyện (Pray): Chúng ta thường nói mình cần cầu nguyện nhiều hơn, nhưng chúng ta phải thật sự cam kết cầu nguyện. Cầu nguyện được ví sánh là hơi thở. Cầu nguyện giúp đời sống cá nhân và Hội Thánh sống và vững mạnh.
Image result for new year resolution
2. Giữ Gìn (Protection): Hãy giữ gìn sức khỏe và gia đình của mình. Người trong gia đình mình, mình phải quan tâm trước hết.

3. Hiện Diện (Presence): Đừng để những cái điện thoại, tablets, iPad chi phối quan hệ của mình với những người xung quanh. Đừng để kỷ thuật chi phối thì giờ thờ phượng, cầu nguyện, và học Lời Chúa.

4. Chia Sẻ Phúc Âm (Share the Gospel): Nhiều người xung quanh không biết Chúa Giê-su. Hãy sốt sắng, để nhiều thì giờ chia sẻ Phúc Âm cho họ để họ biết Chúa Giê-su và nhận sự cứu rỗi.

5. Bền Chí (Persevere): Đời sống luôn gặp khó khăn thử thách. Hãy bền chí và nhắm vào mục tiêu của cuộc đời. Bền chí xây dựng gia đình và Hội Thánh.

CHÚNG TA ĐANG NÓI ĐIỀU GÌ?

"Great people talk about ideas. Average people talk about things. Small people talk about other people." - Unknown

Tạm dịch: "Người vĩ đại bàn tán về những sáng kiến. Người bình thường bàn tán về những điều/vật của đời thường. Người nhỏ mọn bàn tán về những người khác."

Vậy, chúng ta đang nói hay bàn tán về điều gì?

NHỮNG TRANG HỮU ÍCH CHO MỤC VỤ

REASONS YOUR CHURCH ISN’T REACHING PEOPLE
https://churchfuel.com/8-reasons-your-church-isnt-reaching-people/

10 MORE SIGNS THAT A CHURCH HAS SETTLED FOR MEDIOCRITY
http://chucklawless.com/2017/12/10-more-signs-that-a-church-has-settled-for-mediocrity/

Top 7 Servant Leadership Online Summit Takeaways
https://ideas.bkconnection.com/bk-broadcast/my-top-7-servant-leadership-summit-learnings-takeaways

BIBLE TRACTS (ENGLISH)
Image result for links
http://www.fellowshiptractleague.org/english.html

BEST COMMENTARIES
https://www.bestcommentaries.com/topseries/

BEST COMMENTARIES (ROMANS)
https://www.bestcommentaries.com/romans/

BEST SYSTEMATIC THEOLOGY
https://www.bestcommentaries.com/systematic-theology/